Chia sẻ kết nối Internet qua thiết bị không dây



Mạng không dây trở nên phổ biến và nhu cầu truy cập cũng tăng dần tại những nơi đông người như sân bay, khách sạn, quán café, trung tâm giao dịch...

Mạng không dây trở nên phổ biến và nhu cầu truy cập cũng tăng dần tại những nơi đông người như sân bay, khách sạn, quán café, trung tâm giao dịch... Trước đây, bạn phải dùng cáp để kết nối Internet trong phạm vi giới hạn thì với kết nối Wi-Fi bạn sẽ dễ dàng truy cập Internet khắp nơi. Tiện lợi hơn khi bạn có thể chia sẻ máy in, kết nối Internet và các thiết bị khác cho nhiều máy tính mà không cần dây.

Trong bài viết này chúng tôi trình bày cách thiết lập và chia sẻ kết nối Internet trong mô hình mạng sử dụng 3 loại thiết bị phổ biến sau:

- Router ADSL tích hợp Wi-Fi (gọi tắt là RWF)

- Access Point (AP)

- Router băng rộng tích hợp Wi-Fi (gọi tắt là RBRWF)


Chuẩn bị

- Router Wi-Fi, Access Point hoặc router băng rộng Wi-Fi tùy vào mô hình kết nối của bạn.

- Card mạng không dây (bạn nên tham khảo tài liệu của Router để chọn card mạng có sự tương thích tốt).

- Các thông số để cài đặt kết nối Internet: tài khoản truy cập (user name và password), thông số VPI/VCI do nhà cung cấp dịch vụ (ISP) cung cấp.

- Địa chỉ IP, user name và password mặc định để đăng nhập vào giao diện web của Router.


Cài đặt card mạng không dây

Trước khi chia sẻ kết nối Internet, bạn phải cài đặt card mạng không dây cho mỗi máy tính (nếu máy tính đã có sẵn, hãy bỏ qua bước này). Thực hiện như sau: cài đặt tiện ích và trình điều khiển (driver), khởi động lại máy tính, gắn card mạng không dây (PCMCIA/CardBus/ USB/PCI card) vào. Một số card mạng khi cài đặt không cần khởi động lại máy, bạn chỉ việc cắm card mạng khi có yêu cầu trong quá trình cài đặt.

Thiết lập kết nối Internet cho RWF

Chúng ta sử dụng card mạng không dây để thiết lập kết nối Internet. Trước khi tiến hành cài đặt, bạn nên kiểm tra và đảm bảo các thiết bị phần cứng hoạt động tốt. Cắm đường dây ADSL vào RWF qua cổng RJ-11 và bật nguồn. Kiểm tra các đèn LED, nếu LED ADSL và Wi-Fi đã sáng, bạn có thể tiến hành cài đặt kết nối; nếu không, tham khảo tài liệu đi kèm với router để xác định lỗi và khắc phục.

Sử dụng tiện ích của card mạng không dây hoặc tiện ích Wireless Network Connection trong Windows (Control Panel\ Network Connection) để thiết lập kết nối. Chế độ mặc định thường không mã hóa, bạn chỉ việc chọn kết nối và nhấn Connect sau khi Wireless Network Connection tự động dò tìm nguồn phát (hình 1).

Mở trình duyệt web (Internet Explorer), nhập địa chỉ IP 192.168.1.254 vào mục Address. Nhập user name và password mặc định của thiết bị khi được yêu cầu. Sau khi đăng nhập vào giao diện quản lý router, bạn có thể chọn lựa 1 trong 2 cách cài đặt: tự động hoặc thủ công. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên chọn cách cài đặt tự động, mọi việc sẽ dễ dàng hơn với trình trợ giúp (wizard). Chọn Setup trong Pick a task, điền các thông số cần thiết và nhấn Next trong các bước tiếp theo. Chọn Router trong phần Service Selection để lựa chọn chế độ hoạt động (hình 2). Những thông số bắt buộc bạn phải nhập (hoặc chọn) trong quá trình cài đặt là:

- Service: Router

- Protocol: PPPoE (Point to Point over Ethernet)

- Encapsulation: LLC/SNAP (Logical Link Control/Sub Network Access Protocol)

- VPI/VCI: 8/35 (với dịch vụ ADSL của VNPT) (Virtual Path Identifier/ Virtual Circuit Identifier)

- User name/password: do ISP cung cấp.

Nhấn Finish để hoàn tất việc thiết lập. RWF sẽ khởi động lại và cập nhật các thông số mới. Để kiểm tra kết nối, bạn có thể sử dụng trình kiểm tra kết nối của thiết bị như kiểm tra qua lệnh Ping, qua trình "Broadband Connnection" hoặc "Status" tùy vào tiện ích của thiết bị (hình 3). Muốn chia sẻ kết nối Internet từ những máy khác, bạn chỉ việc chọn kết nối và nhấn Connect trong Wireless Network Connection của Windows hoặc tiện ích của card mạng không dây.


Mở rộng

Để quản lý người dùng và ngăn chặn những kết nối trái phép, bạn nên mã hóa kết nối không dây của mình. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số thông tin cần được thay đổi sao cho dễ nhớ, tương thích với card mạng đang sử dụng.

- Network name (SSID: Service Set IDentifier) tối đa 32 ký tự.

- Interface Type: Chuẩn Wi-Fi. Hiện tại, có 3 chuẩn Wi-Fi (802.11a, 802.11b và 802.11g) được thiết bị Wi-Fi hỗ trợ (trên cùng một thiết bị hoặc tách riêng từng chuẩn). Nếu các thiết bị trong mạng có cả hai chuẩn 802.11b và 802.11g, bạn nên chọn chế độ hoạt động "mixed mode" (802.11b/g) để các thiết bị có thể cùng hoạt động.

- Channel Selection: kênh tần hoạt động.

- Security: Chế độ mã hóa.

Tùy theo yêu cầu về bảo mật, bạn có thể chọn thiết bị có chế độ mã hóa theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: WEP64/WEP128 bit, WPA-PSK/WPA, chuẩn xác thực 802.1x hoặc RADIUS. Ngoài ra, một số router có chức năng kiểm soát kết nối không dây bằng địa chỉ MAC, địa chỉ IP.

Sau khi thay đổi, nhấn Apply để chấp nhận việc mã hóa, kết nối Wi-Fi sẽ bị ngắt. Sử dụng tiện ích để dò tìm và thực hiện lại kết nối. Tiến hành đăng nhập với tên tài khoản và mật khẩu đã thiết lập khi có yêu cầu (hình 4).


Ghi chú

- Trong quá trình cài đặt, có thể bạn sẽ được "nhắc nhở" thay đổi mật khẩu mặc định của thiết bị, tốt nhất bạn nên thay đổi vì hacker có thể lợi dụng điều này để xâm nhập vào hệ thống.

- Mỗi router thường có khá nhiều chế độ hoạt động, trong đó có 2 chế độ mà người dùng hay sử dụng nhất là chế độ Router và Bridge. Chế độ Router được chọn khi bạn có nhu cầu kết nối trực tiếp với Internet. Chế độ Bridge được chọn khi bạn bổ sung thêm router băng rộng (lắp phía sau router) nếu cần một số tính năng cao cấp mà router không có (chúng tôi sẽ đề cập về vấn đề này bên dưới).

- Thông số VPI/VCI và Encapsulation rất đa dạng ứng với router của từng hãng. Nó có thể được router tự động phát hiện qua chức năng tự dò tìm, lựa chọn theo danh sách có sẵn hoặc phải nhập vào.

- Hầu hết thiết bị Wi-Fi trước khi xuất xưởng đều được kiểm tra sự tương thích với Class B, Part 15 của FCC nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trong quá trình lắp đặt và sử dụng. Tầm phủ sóng khá rộng và trùng với một số thiết bị khác nên những thiết bị dùng chuẩn này dễ bị "nhiễu" làm giảm tốc độ truy cập, thậm chí không thể kết nối được. Nếu lắp đặt không đúng cách hoặc trong môi trường có nhiều thiết bị khác sử dụng cùng tần số sẽ dễ xảy ra "nhiễu". Bạn có thể thử các bước sau để khắc phục:

- Đổi hướng hoặc thay đổi vị trí anten

- Nối nguồn của máy tính vào ổ cắm khác với ổ cắm của thiết bị Wi-Fi

- Tăng khoảng cách giữa máy tính và thiết bị thu

- Thiết lập các thiết bị Wi-Fi hoạt động trên kênh khác nhau


Mô hình kết nối qua AP và RBRWF

Chia sẻ kết nối Internet thông qua AP hoặc RBRWF là giải pháp tiết kiệm trong trường hợp router ADSL của bạn không tích hợp Wi-Fi. Trong bài viết, cả hai mô hình AP và RBRWF đều giống nhau, cùng gắn sau router ADSL (hình 5). Tuy nhiên với RBRWF, bạn phải đổi chế độ hoạt động cho router ADSL từ Router sang Bridge mới có thể chia sẻ kết nối được.

Access Point (AP)

Trong mô hình này, bạn chỉ cần gắn AP vào router ADSL mà không phải thiết lập gì thêm. Tất nhiên, router này đã được thiết lập kết nối Internet (cách thiết lập tương tự với RWF bên trên). Với mục đích chủ yếu là chia sẻ kết nối Wi-Fi nên AP chỉ có vài tính năng đơn giản, các chế độ bảo mật như mã hóa WEP64/128 bit, WPA/WPA-PSK hoặc chuẩn xác thực 802.11x.

Đăng nhập vào giao diện quản lý của AP, nếu gặp thông báo lỗi, bạn kiểm tra và thay đổi IP card mạng sao cho cùng lớp mạng với IP mặc định của AP. Tùy nhu cầu sử dụng, bạn có thể thay đổi SSID, số kênh tần (channel), chế độ mã hóa. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi IP mặc định của AP trong mục LAN sao cho phù hợp với lớp mạng hiện tại.

Với các máy khác, bạn cũng chọn kết nối, nhấn Connect trong Wireless Network Connection của Windows hoặc tiện ích của card mạng không dây để kết nối Internet.


Router băng rộng Wi-Fi (RBRWF)

Sử dụng RBRWF để chia sẻ kết nối Internet nếu bạn cần xây dựng một hệ thống mạng với những tính năng bảo mật tốt hơn; tăng cường tính năng mà router ADSL chưa có. Các RBRWF hiện nay đều được tích hợp tường lửa (firewall) với nhiều chính sách bảo mật. Ngoài ra, tùy nhu cầu bạn có thể lựa chọn RBRWF có tích hợp các tính năng nổi bật như mạng riêng ảo (VPN), VoIP, cổng mở rộng có khả năng giao tiếp với các thiết bị ngoại vi (thiết bị lưu trữ, máy in)...

Trước khi kết nối đến RBRWF, bạn phải thiết lập kết nối Internet cho router ADSL (tham khảo phần RWF), kiểm tra trạng thái kết nối của router và chuyển chế độ hoạt động từ Router sang Bridge (hình 2). Lúc này, router ADSL "đóng vai trò” là cầu nối (Bridge), bạn không thể truy cập Internet từ router này.

Dùng cáp RJ-45 kết nối cổng Ethernet của router ADSL với cổng WAN (Wide Area Network) của RBRWF. Việc thiết lập kết nối Internet cho RBRWF cũng tương tự như RWF ở trên. Tham khảo tài liệu hướng dẫn của RBRWF để biết những thông số cần thiết như:

- Địa chỉ IP, user name, password.

- WAN Connection Type: PPPoE (Point to Point Over Ethernet)

- Account Name/Password (tài khoản do ISP cung cấp)

Nhấn Finish để hoàn tất việc thiết lập, bạn có thể kiểm tra lại kết nối trong Status để xem các thông tin ISP cấp phát tự động cho router (hình 6).

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ hướng dẫn bạn đọc các bước chung để chia sẻ kết nối Internet cho các thiết bị, máy tính có hỗ trợ Wi-Fi. Cách thiết lập cho mỗi thiết bị cụ thể sẽ khác nhau, bạn nên tham khảo tài liệu hướng dẫn đi kèm với thiết bị. Ngoài ra, các nhà sản xuất thường đưa thêm một số tính năng vào sản phẩm của mình như tường lửa, các chính sách phòng chống tấn công từ chối dịch vụ (DoS), chính sách ngăn cấm website dựa vào từ khóa, URL, tên miền... và một số tính năng cao cấp như VoIP, VPN, chức năng quản lý chất lượng dịch vụ, thiết lập khả năng giao tiếp và quản lý cho thiết bị lưu trữ, máy chủ in ấn...


Theo PC World.




Được tạo bởi quynhnt
Lần sửa cuối 05/05/06

Giới thiệu PLANETPhản hồi trực tuyến Mua hàng ở đâySơ đồ WebsiteEnglish  

Sử dụng bộ phần mềm TVIS 3.0
© Bản quyền của công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd 2000-2016

Số lần truy cập:

Mọi kết nối tới Website này cũng như việc tái sử dụng lại nội dung phải được sự đồng ý của công ty NETCOM Co.,Ltd.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau: Công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd Số 46A/120 Đường Trường Chinh - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội.
Tel: (04)35737747 , Fax: (04)35737748 , Email: support@netcom.com.vn