Khi HNTH bắt đầu truyền được qua Internet bằng giao thức TCP/IP kết hợp với sự ra đời của công nghệ nén âm thanh, video tiên tiến hơn, người dùng đã bắt đầu ứng dụng HNTH ngay trên máy tính để bàn hay xách tay nhờ các PM như NetMeeting, MSN Messenger, Yahoo Messenger, Skype...
Thực ra, HNTH không có gì xa lạ vì hình ảnh trên Tivi được truyền qua sóng VHF, UHF là một dạng hội nghị truyền hình ứng dụng công nghệ analog đơn giản. Nhưng chỉ từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, HNTH mới thực sự "cất cánh" khi các mạng điện thoại kỹ thuật số ra đời, đảm bảo băng thông tối thiểu (thường là 128kbps để truyền dữ liệu - âm thanh và video - nén). Sang thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nhu cầu của thị trường đã biến công nghệ HNTH từ những hệ thống độc quyền đắt tiền (bao gồm phần cứng linh kiện, PM, chuẩn mạng...) thành công nghệ chuẩn phù hợp với nhiều đối tượng ứng dụng. Cũng vào thập niên này, khi HNTH bắt đầu truyền được qua Internet bằng giao thức TCP/IP kết hợp với sự ra đời của công nghệ nén âm thanh, video tiên tiến hơn, người dùng đã bắt đầu ứng dụng HNTH ngay trên máy tính để bàn hay xách tay nhờ các PM như NetMeeting, MSN Messenger, Yahoo Messenger, Skype...
Tùy theo ngân sách và nhu cầu, mỗi tổ chức hay DN sẽ lựa chọn giải pháp HNTH phù hợp: Hệ thống lớn, đặt cố định không di chuyển được; hệ thống nhỏ gọn, dễ dàng tháo lắp và mang theo; hay màn hình và PM chuyên dụng. Hiện phổ biến nhất tại Việt Nam là các thiết bị của Polycom, Tandberg và Sony.
Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi tạm phân loại một số sản phẩm HNTH thông dụng chuyên xử lý tín hiệu hình ảnh-âm thanh đang được cung cấp tại Việt Nam theo quy mô HNTH.
Nhóm nhỏ và văn phòng: Màn hình LCD và PM chuyên dụng
Hầu hết các hãng cung cấp giải pháp như Polycom, Sony, Tandberg đều có sản phẩm màn hình LCD dành cho HNTH. Điểm khác biệt của các màn hình này so với các màn hình LCD thông thường là khả năng thực hiện HNTH mà không cần bật máy tính nếu không có nhu cầu trao đổi tập tin (file), trình chiếu Powerpoint... vì nhà sản xuất đã tích hợp phần cứng, PM mã hóa và giải mã tín hiệu HNTH (còn gọi là PM codec) cùng bộ phận ghi âm, loa và camera vào màn hình LCD đó. Thường màn hình LCD chuyên dụng cho HNTH như vậy phục vụ cho cá nhân hay nhóm nhỏ khoảng 3 người.
Quy mô lớn hơn: Trạm Hội Nghị Truyền Hình
Hệ thống LCD chuyên dụng nói trên không đủ sức phục vụ những hội nghị trực tuyến mà lượng người dùng nhiều hơn, từ 7 - 40 người. Khi đó, DN cần ứng dụng các thiết bị trạm HNTH bao gồm phần đế và camera (có thể điều khiển xoay từ xa, phóng to, thu nhỏ hình ảnh video theo ý người dùng), micro 360 độ, cho phép ghi nhận giọng nói của bất cứ người nào trong phòng HNTH. Các thiết bị trạm HNTH này thường cho phép tổ chức hội thảo đa điểm, từ 6-10 điểm. Nếu muốn tố chức những cuộc HNTH lớn hơn, với 100 điểm chẳng hạn, nhà tổ chức phải ứng dụng thêm thiết bị quản lý đa điểm MCU (Multipoint Control Unit).
Các thiết bị và PM nói trên chỉ là phần chính (xử lý dữ liệu hình-tiếng) của một hệ thống HNTH. Để hệ thống HNTH hoàn chỉnh và vận hành được, cần có thêm đường truyền Internet, mạng cục bộ (LAN) và các thiết bị hỗ trợ đường truyền (thiết bị cân bằng tải, modem VoIP...).
Ứng dụng HNTH mang lại khả năng tương tác rất cao: Những người tham gia không chỉ có thể trao đổi với nhau bằng hình ảnh và âm thanh mà còn có thể trình chiếu, hiển thị các bảng biểu, tài liệu bằng cách kết nối hệ thống HNTH với thiết bị đầu vào (máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động, bảng trắng kỹ thuật số - digital whiteboard) và đầu ra (màn hình, loa...).
(Theo PCWorld)