"Theo dõi" SV bằng camera: Nên hay không?



Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội đang lắp đặt hệ thống camera trong lớp học, nhằm quản lý việc dạy và học.

Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội đang lắp đặt hệ thống camera trong lớp học, nhằm quản lý việc dạy và học. Tuy chưa hoạt động, nhưng sinh viên đã phản đối vì cho rằng như thế là vi phạm quyền nhân thân...

Gãi ngứa, cầm tay cũng bị ghi hình!

Một số SV hệ chính quy đã gửi đơn kiến nghị đến báo Tiền phong với tâm trạng rất bức xúc.

Theo các SV này, nếu có camera theo dõi thì nhiều SV bị kiến hay muỗi đốt lật áo xem cũng bị ghi hình; có trường hợp hai SV ngồi học cầm tay nhau trong lớp học cũng bị ghi hình... Tệ hại hơn, giả sử một số cán bộ nhân viên lại mang những hình ảnh quan sát được ra đàm tiếu với những lời lẽ thiếu văn hoá, thiếu tôn trọng SV thì sao?Các SV còn đưa ra câu hỏi: Trong khi cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều phòng học rất nóng, ánh sáng thiếu, bóng đèn cháy không được thay, khăn lau bảng không có, nước uống cho giáo viên phải do sinh viên đóng tiền, hệ thống âm thanh hỏng khiến nhiều hôm thầy cô giáo khản cả giọng vì giảng bài... việc lắp camera như vậy có thích hợp không?

Hiệu trưởng: “Chỉ phục vụ cho việc quản lý”

Ông Lê Minh Tâm - Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội - cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ĐH Luật đã cố gắng xây dựng một hệ thống phòng học chất lượng cao gồm 12 phòng có gắn camera (hiện nay mới hoàn chỉnh được 8 phòng).

Hệ thống này được xây dựng với 4 mục tiêu: Kiểm tra thực hiện lịch trình giảng dạy, tổ chức thao giảng phục vụ cho công tác bình chọn giảng viên giỏi, trao đổi phổ biến kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; trợ giúp giáo viên có nhu cầu ghi lại bài giảng của mình để tự nghiên cứu rút kinh nghiệm cho việc tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng giờ giảng; bảo vệ tài sản và trang thiết bị.

Việc tổ chức đánh giá về chuyên môn, đánh giá giáo viên dạy giỏi bằng camera tiện ích hơn theo cách dự giờ “cổ xưa” là kéo bầu đoàn thê tử đến dự giờ. Ông Tâm nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ ban đêm: Tất cả các phòng học chất lượng cao đều được trang bị những thiết bị hiện đại, tốt, đắt tiền (chỉ một máy chiếu tốt đã trị giá tới 70 triệu đồng) nên cần được bảo vệ ban đêm, camera ghi hình để khi xảy ra sự cố còn có thể có hình ảnh từ đêm trước giúp tìm thủ phạm ...

Theo ông Tâm, các trường như ĐH KH XH-NV (ĐHQG HN), ĐH Giao thông, Học viện Quốc phòng... đã đi trước ĐH Luật từ lâu. Về việc SV trường Luật phản ánh, ông Tâm cho biết: Hệ thống camera trường ông vẫn còn đang ở giai đoạn lắp đặt, chưa đưa vào sử dụng, thậm chí còn chưa có âm thanh và nếu sử dụng cũng không dùng để “quay” học sinh, vì như thế sẽ rất tốn kém.

Đã từng có tiền lệ

Ông Phạm Xuân Hằng - Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV (ĐHQG HN), đơn vị đi đầu trong các trường ĐH lắp đặt hệ thống camera  từ 6 - 7 năm trước cho biết, ĐH KH XH-NV có hệ thống camera trải rộng trên khắp 32 phòng học lớn.

Với hệ thống này, những nhà quản lý có thể thông báo một lúc tới hàng ngàn SV của 32 phòng học mà không phải leo hết bằng ấy tầng lầu của toà nhà 5 tầng; có thể biết được thầy có đến dạy đúng giờ, trò có học hành nghiêm túc không...

Đặc biệt, việc quản lý thi cử (từ thi học kỳ đến thi hết môn...) trở nên tiện ích rất nhiều - thanh tra không phải đi hết các phòng theo kiểu “đánh động” vẫn có thể biết được thực chất của việc thi cử...

Tuy nhiên, Vũ Hồng Phúc hiện đang theo học tại trường ĐH Leeds (Anh) cho rằng: “Không nên có camera trong lớp học vì cả giáo viên và học sinh sẽ căng thẳng, đối phó và nhàm chán...”.

Còn ông Triệu - Phó hiệu trưởng THPT Trần Phú (Hà Nội), một trong những trường phổ thông mạnh dạn sử dụng hệ thống camera quản lý học sinh - cho biết: Ngay cả các trường Trung học cơ sở  như Đông Đô, Ngô Sĩ Liên cũng có hệ thống camera để quản lý học sinh.

Theo ghi nhận của PV Tiền phong thì nhiều sinh viên cảm thấy bị ức chế khi trở thành đối tượng bị giám sát quá chặt chẽ. Họ cho rằng làm như vậy sẽ khó phát huy được tính tự giác của sinh viên. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng không ảnh hưởng gì. Vấn đề lắp đặt camera trong các lớp học hay hay dở cần phải có sự trao đổi thêm, nhưng phải phù hợp với xu thế giáo dục tiến bộ của thế giới.

Theo Tiền Phong.




Được tạo bởi quynhnt
Lần sửa cuối 29/04/06

Giới thiệu PLANETPhản hồi trực tuyến Mua hàng ở đâySơ đồ WebsiteEnglish  

Sử dụng bộ phần mềm TVIS 3.0
© Bản quyền của công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd 2000-2016

Số lần truy cập:

Mọi kết nối tới Website này cũng như việc tái sử dụng lại nội dung phải được sự đồng ý của công ty NETCOM Co.,Ltd.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau: Công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd Số 46A/120 Đường Trường Chinh - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội.
Tel: (04)35737747 , Fax: (04)35737748 , Email: support@netcom.com.vn