Wifi băng tần kép và ba băng tần: nên dùng loại nào?



Hiện nay trên thị trường có đa dạng các sản phẩm router Wi-Fi với nhiều nhà sản xuất khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, chúng được phân thành hai loại chính là router wifi băng tần kép (Dual-band) và ba băng tần (Tri-band). Vậy chúng khác nhau ở điểm nào, và điểm khác biệt đó có đáng để người dùng cân nhắc?

Bài viết này sẽ giải thích rõ hơn về công nghệ băng tần kép và ba băng tần nhằm giúp người dùng có thể tự lựa chọn cho mình một thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn không muốn những thông tin chuyên sâu, thì đây là kết luận: Không xét đến vấn đề chi phí, thì router dual-band hay tri-band cũng là sự lựa chọn hợp lý, thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt, tri-band sẽ là một thiết bị vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét đến yếu tố "hầu bao" cá nhân, thì việc mua một chiếc router tri-band không khác gì ném một đống tiền qua cửa sổ vậy.

Wi-Fi băng tầng kép: lựa chọn thiết yếu

Wi-Fi dual-band là công nghệ đã không còn quá xa lạ trên các router 802.11ac hiện nay. Tuy nhiên, còn khá nhiều người dùng vẫn đang sử dụng router 802.11n từ thuở "sơ khai" với tần số 2.4GHz. Ngoài các thiết bị Wi-Fi, điện thoại không dây và các thiết bị gia dụng như lò vi sóng cũng sử dụng tần số này, khiến quá trình kết nối thường xuyên bị nhiễu và mất ổn định, gây nhiều khó chịu cho người sử dụng, đặc biệt là tại những khu vực thành thị.

Sau đó, các nhà sản xuất bắt đầu đưa kết nối mạng không dây lên tần số 5GHz – loại bỏ hoàn toàn những khuyết điểm vốn có trên 2.4GHz. Nó được tạo ra để chỉ sử dụng trên các thiết bị Wi-Fi với tốc độ truyền tải không dây cao hơn rất nhiều so với 2.4GHz.

Trong một khoảng thời gian ngắn, các router chuẩn 802.11a đã được tạo ra với giải pháp băng tần đơn cùng tần số 5GHz (single-band) hi vọng có thể dần dần thay thế 2.4GHz. Tuy nhiên với nhược điểm là phạm vi kết nối ngắn, tốc độ không quá cao và thực tế nhiều thiết bị sử dụng phần cứng chỉ tương thích với 2.4Ghz, router băng tần đơn 5GHz sớm thất thế trên thị trường.

Cuối cùng, router băng tần kép ra đời và trở thành chuẩn mực khi có thể truyền phát trên đồng thời hai tần số 2.4GHz và 5GHz, phù hợp với các thiết bị mới với chuẩn kết nối hiện đại cho tốc độ nhanh và ổn định hơn, đồng thời vẫn có thể sử dụng trên các thiết bị cũ hỗ trợ tín hiệu 2.4GHz.

Router ba băng tần: công nghệ mới

 

Trước khi đi vào những khác biệt giữa dual-band và tri-band, chúng ta sẽ nghiên cứu một chút về cách thức hoạt động của các băng tần. Lấy ví dụ với Asus Blue Cave AC2600: AC là viết tắt của chuẩn 802.11ac (hay Wi-Fi 5), và 2600 là tốc độ băng thông kết hợp được làm tròn của thiết bị, với 1733Mbps trên băng tần 5GHz và 800Mbps trên 2.4GHz.

Thiết bị của người dùng chỉ kết nối được hoặc là băng tần 5GHz, hoặc là 2.4GHz, vì vậy tốc độ kết nối cao nhất về lý thuyết trên Blue Cave đạt mức 1733Mbps – và đó là tốc độ lý tưởng với một kết nối duy nhất. Nếu số người dùng từ 2 trở lên kết nối và sử dụng trong cùng một thời điểm, băng thông router sẽ được chia đều ứng với số người sử dụng. Nếu 10 người dùng, mỗi người sẽ kết nối với tốc độ 170Mbps, hoặc 17 Mbps khi 100 người kết nối cùng lúc. Thông thường, router tại nhà của bạn có thể "gánh vác" 253 kết nối cùng lúc.

Để nâng số lượng truy cập kết nối phù hợp với yêu cầu của khách hàng, các nhà sản xuất đã nghiên cứu và cho ra mắt router ba băng tần (tri-band) vào năm 2014, cung cấp thêm một băng tần 5GHz trên nền tảng dual-band đã có sẵn. Các thiết bị router tri-band ngày nay sẽ gồm hai băng tần 5GHz hoạt động song song với băng tần 2.4GHz, mang lại trải nghiệm kết nối có phần khác biệt.

Dual-band và tri-band: lợi ích thực tế

Các thiết bị router tri-band có thể nói là khá hiếm trên thị trường, tiêu biểu có thể nhắc đến là Netgear R8000 Nighthawk X6. Nguyên do bởi router dual-band vẫn là một sự lựa chọn khá hoàn hảo có thể phục vụ tốt cho đa số các mục đích khác nhau, mà không cần đến băng tần 5GHz thứ ba như trên tri-band – những sản phẩm với mức giá không hề rẻ chút nào. Ngoại trừ mục đích của bạn là kinh doanh dịch vụ với dự kiến hơn 500 truy cập đồng thời mỗi ngày, thì thật sự việc trải nghiệm với router dual-band hay tri-band cũng chẳng mấy khác biệt.

Ngay cả khi router Wi-Fi có nhiều truy cập đồng thời, thì mức độ ổn định của kết nối còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nữa, như công nghệ router, ứng dụng và tốc độ kết nối mà người dùng đang sử dụng.

Công nghệ router

Công nghệ của router là một trong những yếu tố quyết định chất lượng kết nối mạng. Ví dụ, nếu sử dụng router 2x2 (2 ăng ten) chuẩn Wi-Fi 5, thì tốc độ kết nối rơi vào khoảng 867Mbps, tuy nhiên nếu là Router 2x2 chuẩn Wi-Fi 4, thì con số đạt được chỉ khoảng 450Mbps là cao nhất. Chưa kể, trong trường hợp người dùng chỉ sử dụng thiết bị tương thích với băng tần 2.4GHz, thì tốc độ kết nối sẽ còn chậm hơn rất nhiều lần trong khi băng tần 5GHz lại không có tác dụng hỗ trợ.

Vì vậy người dùng thật sự khó có thể tận dụng lượng băng thông tối đa trên bộ định tuyến, ngay cả khi hoạt động đúng công suất lý thuyết đi chăng nữa.

Ứng dụng

Các ứng dụng kết nối internet mà chúng ta đang sử dụng ngày nay đều chỉ cần một lượng băng thông nhất định. Tất nhiên chúng ta có thể có kết nối Wi-Fi với dung lượng lớn hơn, nhưng điều đó cũng không mang lại một trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Ví dụ, nếu chúng ta muốn phát trực tuyến video 4K, thì tốc độ kết nối ở mức 25Mbps là con số vừa đủ và chúng sẽ không tận dụng nhiều hơn lượng băng thông đó. Về mặt lý thuyết, router Blue Cave ở băng tần 5GHz có thể cho kết nối ổn định với 70 lượt kết nối đồng thời truyền phát nội dung 4K, và 32 lượt kết nối ở băng tần 2.4GHz. Tất nhiên con số thực tế sẽ thấp hơn một chút so với lý thuyết, nhưng dù thế nào đi nữa, thì bất kỳ một thiết bị router dual-band 5GHz nào cũng là quá dư thừa khi mục đích sử dụng dừng lại ở mức hộ gia đình.

Tốc độ kết nối Internet

Tốc độ băng thông được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến trải nghiệm internet của người dùng chứ không phải là công nghệ router Wi-Fi, bởi chúng chỉ đóng vai trò như cầu nối để thiết bị của bạn có thể tương tác với mạng toàn cầu. Internet và Wi-Fi là hai thứ khác nhau, công nghệ Wi-Fi hiện đại hơn không có nghĩa là tốc độ truy cập Internet nhanh hơn.

Ví dụ gói cước Internet bạn đang sử dụng là 150Mbps. Cho dù có nhiều người truy cập hay chỉ một người dùng, với router dual-band hoặc tri-band hiện đại, thì tốc độ tối đa mà gói cước có thể cung cấp là 150Mbps mà thôi. Vậy mới nói, vấn đề không nằm ở công nghệ hay tốc độ Wi-Fi nhà bạn, mà là gói cước internet đăng ký từ nhà cung cấp viễn thông.

Công dụng thực tế của router ba băng tần

Trong một vài trường hợp,nhất định, router tri-band là lựa chọn duy nhất mà người dùng có thể nghĩ đến. Trước tiên, cần phải đảm bảo sẽ có một lượng người truy cập tương đối thì bạn mới nghĩ đến việc tậu cho mình một thiết bị ba băng tần. Tiếp theo đó, đảm bảo rằng trường hợp của bạn rơi vào một trong số dưới đây để chắn chắn việc đầu tư là xứng đáng:

Tăng tính tương thích: Bạn có thể đặt một băng tần 5GHz để hỗ trợ tốc độ tối đa và băng tần 5GHz/2.4GHz hoạt động ở chế độ tương thích cho các khách hàng thông thường và các máy khách cũ. Tuy nhiên, điều này chỉ hữu ích khi sử dụng 802.11g và các thiết bị từ thời kỳ đầu. Từ Wi-Fi 4 trở về sau đã được tích hợp công nghệ cho phép chúng hoạt động tốt trong môi trường đa tần số, không gây chậm kết nối.

Công suất mạng Wi-Fi nội bộ: Bạn có một mạng lưới rộng lớn sử dụng Wi-Fi – thay vì kết nối có dây – cho các tác vụ nội bộ, bao gồm sao lưu mạng, chia sẻ tệp tin, chỉnh sửa ảnh/video. Trong trường hợp này, tri-band là thiết bị hợp lý để đảm bảo mọi thiết bị kết nối, bao gồm PC, laptop, sử dụng với tốc độ ổn định nhất có thể.

Tốc độ internet siêu nhanh: Nếu tốc độ băng thông của bạn đạt mức Gigabit, thì router tri-band sẽ là một công cụ hữu ích trong việc duy trì tốc độ băng thông cao và ổn định cho nhiều kết nối hơn trong cùng lúc. Hãy nhớ rằng những ứng dụng online chỉ yêu cầu một lượng băng thông nhất định – thường là ít hơn 1Gbps. Tác dụng của tri-band rõ ràng nhất trong trường hợp này là khi tải các tệp tin có dung lượng lớn.

Thiết lập mạng lưới không dây: Trong trường hợp bạn sử dụng kết nối mạng không dây để liên kết các phần cứng của hệ thống Wi-Fi lại với nhau, thì có thể tận dụng băng tần 5GHz thứ hai của tri-band như một backhaul. Hiện nay, đa phần các router ba băng tần không được tích hợp tính năng Wifi mesh, vì vậy chúng chỉ hoạt động như một bộ định tuyến duy nhất. Cho đến hiện tại, chỉ có một vài sản phẩm đến từ Asus và Synology mới có thể hoạt động như một phần của hệ thống mạng Wifi mesh.

Wifi băng tần kép và ba băng tần: Quyết định cuối cùng.

Từ những lý do trên, chúng ta có thể kết luận: Với mục đích sử dụng không quá cao cấp, thì router băng tần kép là một sự lựa chọn hoàn toàn tốt và mang lại tính tối ưu với số tiền hợp lý đã bỏ ra. Trong một số trường hợp cực kỳ đặc biệt, bộ định tuyến ba băng tần sẽ có ích, tuy nhiên với người dùng thông thường như chúng ta, router dual-band đã quá đủ.


» Các tin khác trong Truyền thông băng rộng:
» Có thiết bị MobiWifi, sang nước ngoài ung dung lướt mạng
» Wi-Fi 6 đã ra mắt nhưng nó có cần thiết với bạn ngay chưa?
» Speedtest công bố VNPT là nhà mạng có tốc độ Internet số 1 Việt Nam
» Wi-Fi 6 chính thức ra mắt, chỉ iPhone 11 và Galaxy Note 10 hỗ trợ
» Viettel bác bỏ tin mạng 4G Viettel sử dụng chủ yếu thiết bị của Huawei
» Tốc độ 4G Việt Nam xếp sau Singapore và Myanmar tại Đông Nam Á
» Nếu Apple tự làm 5G, 6 năm nữa iFan mới được dùng
» Tài nguyên IPv6 tại Việt Nam sẵn sàng để phát triển 4G/LTE, 5G và IoT
» VinaPhone được người dùng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ di động 3G, 4G


Được tạo bởi chauvn
Lần sửa cuối 28/12/2019

Giới thiệu PLANETPhản hồi trực tuyến Mua hàng ở đâySơ đồ WebsiteEnglish  

Sử dụng bộ phần mềm TVIS 3.0
© Bản quyền của công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd 2000-2016

Số lần truy cập:

Mọi kết nối tới Website này cũng như việc tái sử dụng lại nội dung phải được sự đồng ý của công ty NETCOM Co.,Ltd.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau: Công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd Số 46A/120 Đường Trường Chinh - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội.
Tel: (04)35737747 , Fax: (04)35737748 , Email: support@netcom.com.vn